11.  Giô-sép. 

      Ông là con thứ mười một của Gia-cốp, và là con đầu lòng của Ra-chên, sanh ra tại Cha-ran. Giô-sép có nghĩa là nguyện được tăng lên. Vì son sẻ hơn chị là Lê-a, nên khi Ra-chên sanh Giô-sép thì nói: Ðức Chúa Trời đã rửa sự xấu hổ cho tôi rồi... cầu xin Chúa thêm cho tôi một con trai nữa (Sáng thế ký 30:23, 24). Lời cầu nguyện đã được Chúa chấp thuận, về sau Ra-chên sanh thêm một trai nữa là Bên-gia-min.

      Khi còn nhỏ, Giô-sép ở nhà với cha tại Hếp-rôn, trong khi các anh đi chăn chiên ngoài đồng vắng tại Si-chem. Giô-sép thuật lại với cha chuyện xấu của các anh mình. Như vậy, Giô-sép mặc dầu còn ít tuổi cũng đã tỏ ra là người can đảm, biết trọng lẽ phải, giữ gìn luân lý và lời Chúa như trong Xuất Ê-díp-tô ký 23:2 đã dạy: Ngươi chớ hùa đảng đông đặng làm quấy; khi ngươi làm chứng trong việc kiện cáo, chớ nên trở theo bên phe đông mà phạm sự công bình.

      Gia-cốp yêu thương Giô-sép hơn cả, và đã ban cho ông một chiếc áo có nhiều màu (Sáng thế ký 37:3). Ngày xưa, chỉ những người có địa vị cao trong xã hội mới được mặc loại áo nầy. Có lẽ Gia-cốp định lập Giô-sép làm trưởng tộc thay cho Ru-bên vì Ru-bên đã phạm trọng tội cùng ông.

      Các anh của Giô-sép ngày càng ghen ghét ông hơn vì cha đã không yêu thương các con đồng đều. Việc Giô-sép thuật lại các điềm chiêm bao ngụ ý các anh sẽ phải phục tùng mình đã làm tăng lên sự căm giận của họ. Lúc đầu khi nghe các điềm chiêm bao nầy, Gia-cốp không đẹp lòng, nhưng về sau, giống như bà Ma-ri đối với Chúa Jêsus, đã ghi các lời ấy vào lòng (Sáng thế ký 37:5-11; Lu-ca 2:19, 51).

      Sự ghen ghét nầy ngày càng gia tăng, các anh chỉ chờ dịp để giết ông cho hả giận. Chúng ta học được nơi đây rằng nếu lòng ganh tị không được sớm dẹp đi, thì có thể đưa đến tội ác giết người dù người đó có cùng chung huyết thống.

      Cơ hội trả thù đã đến khi Giô-sép vâng lệnh cha, một mình đến tìm các anh trong đồng vắng. Nhờ Ru-bên và Giu-đa can ngăn nên Giô-sép không bị giết nhưng bị bán cho người Ma-đi-an đem qua Ê-díp-tô làm nô lệ. Cuộc đời của Giô-sép gặp nhiều hoạn nạn và thử thách, nhưng ông vẫn trung tín với Chúa nên được nhiều phước hạnh. Chúa đã cho ông làm đến chức tể tướng của triều đình Ê-díp-tô, tước vị nầy tương đương với chức thủ tướng, chỉ dưới vua Pha-ra-ôn mà thôi.

      Trong cuộc đối thoại với các anh, Giô-sép tỏ ra là người rất khiêm nhường. Ông đã không coi sự giàu sang uy quyền hiện nay là do tài sức ông tạo nên, nhưng do Ðức Chúa Trời ban cho; sự hoạn nạn cũng không phải do âm mưu của các anh mà có, nhưng là do sự sắp đặt của Ðức Chúa Trời và ông là người được chọn để cứu cả gia đình lẫn dân Ê-díp-tô khỏi nạn đói. Thay vì đau khổ, oán giận các anh, Giô-sép coi hoạn nạn của mình là sự thử thách, rèn luyện để ông được lớn lên trong đức tin, là nguồn phước hạnh  chứ không phải là hình phạt (Sáng thế ký 45:7-8). 

      Giô-sép được vua Ê-díp-tô tôn trọng và yêu quí. Kinh Thánh cho thấy ông xin điều gì cũng được vua chấp thuận. Ông kết hôn với con gái của thầy cả thành Ôn, tên là Ách-nát và sanh hai trai là Ma-na-se và Ép-ra-im.

      Sống trên đất khách là xứ thờ đa thần, Giô-sép chịu nhiều áp lực về tôn giáo, chính trị, phong tục..., nhưng ông vẫn giữ được sự trung tín với Ðức Chúa Trời. Về sau, Giô-sép đem cả gia đình của cha và các anh em mình qua Ê-díp-tô chung sống để cùng hưởng sự giàu sang sung sướng. Chẳng những ông đã chiến thắng nhiều cám dỗ, lại còn là người độ lượng, không giữ lòng thù hận các anh mình.

      Theo Phục Truyền luật lệ ký 21:15-17, thì con trưởng nam được phần gia sản gấp đôi. Tuy không nói ra, nhưng Gia-cốp đã thực sự ban cho Giô-sép quyền nầy khi ông nhận hai con của Giô-sép làm con và cho mỗi người một phần gia tài ngang bằng với phần của các con ông (Sáng thế ký 48:5-6). Việc nầy giúp cho Giô-sép trở thành tổ phụ của hai chi phái Ma-na-se và Ép-ra-im. Giô-sép cũng được hưởng một phần sản nghiệp của cha và là phần tốt nhất (Sáng thế ký 48:22).

      Vì Gia-cốp nhận hai con của Giô-sép làm con của mình cho nên nước Y-sơ-ra-ên thật ra gồm có 13 chi phái. Nhưng số 12 vẫn được dùng trong suốt cả Kinh Thánh khi nói về dòng dõi dân Do-thái, Chúa Jêsus cũng chọn 12 môn đồ, tượng trưng cho 12 người con của Gia-cốp. Khi Giô-suê chia đất Ca-na-an thì chia 12 phần cho 12 chi phái, vì chi phái Lê-vi đã được chọn để hầu việc Ðức Chúa Trời nên chỉ có 48 thành mà thôi. Về sau, Khải huyền cũng chỉ liệt kê có 12 chi phái được đóng ấn, vì chi phái Ðan không được nói đến.

      Sau đây xin nói qua về chi phái Ma-na-se và Ép-ra-im, là hậu tự của Giô-sép:

1.    Ma-na-se:

Ma-na-se có nghĩa là kẻ làm cho ta quên, vì sự chào đời của ông đã khiến cho Giô-sép rất vui mừng, quên đi điều buồn đau trong quá khứ (Sáng thế ký 41:51). Ông là con đầu lòng của Giô-sép nhưng khi chúc phước thì Gia-cốp lại để tay trái lên đầu ông, người ngụ ý rằng ông sẽ phải thua em là Ép-ra-im.

      Chi phái Ma-na-se, khi rời Ê-díp-tô, chỉ có 32.200 tráng niên trên 20 tuổi đánh trận được, sau 40 năm trong đồng vắng, trước khi vào đất Ca-na-an, tăng lên 52.700 người (Dân số Ký 26:34). Chi phái nầy được chia cho phần đất ở cả hai bên sông Giô-đanh. Một nữa chi phái ở lại phía đông sông Giô-đanh cùng chi phái Ru-bên và Gát. Một nữa thì ở về phía tây sông Giô-đanh, thuộc miền bắc của chi phái Ép-ra-im. Khi vào được Ca-na-an, chi phái Ma-na-se không đuổi dân bản xứ mà lại sống lẫn lộn với họ (Các quan xét 1:27-28).     

      Chi phái Ma-na-se được nổi tiếng vì lòng dũng cảm và đã cung ứng được hai quan xét là Ghê-đê-ôn và Giép-thê. Chi phái nầy cũng có công giúp vua Ða-vít tranh chiến với Sau-lơ (I Sử ký 12:31, 37). Khải huyền 7:6 cũng nói đến chi phái của Ma-na-se có 12.000 người được đóng ấn.

      2.  Ép-ra-im:

      Ép-ra-im có nghĩa là hưng vượng bằng hai, vì khi sanh ông, Giô-sép nói rằng: Ðức Chúa Trời làm cho ta được hưng vượng trong xứ mà ta bị khốn khổ (Sáng thế ký 41:52). Sau khi sanh sống ở xứ Ê-díp-tô hơn 400 năm, chi phái nầy có được 40.500 trai trẻ đánh trận được, lần tu bộ thứ nhì còn lại 32.500 người. Chi phái Ép-ra-im được chia cho phần đất đồi núi ở trung bộ Palestine, phía bắc giáp với chi phái Ma-na-se, phía nam là chi phái Bên-gia-min, đông là chi phái Ðan, tây là chi phái Ma-na-se và Gát.

      Chi phái Ép-ra-im và Ma-na-se luôn có sự tranh cạnh nhau. Chi phái Ma-na-se có được số đông nhưng chi phái Ép-ra-im có tài chỉ huy, đã trở nên hùng mạnh và đứng đầu ở phương bắc, làm ứng nghiệm lời chúc phước của Gia-cốp[1]: ... song thể nào em nó cũng sẽ lớn hơn... (Sáng thế ký 48:19). Về sau khi nước Y-sơ-ra-ên bị chia đôi, chính chi phái Ép-ra-im đứng ra lãnh đạo dân ở phương bắc chống lại anh em mình thuộc xứ Giu-đa ở phương nam. Miền bắc do 10 chi phái kết hợp lại nên mang tên là Y-sơ-ra-ên, và cũng được gọi là Ép-ra-im (Ê-sai 7:2, 5, 9, 17) chứng tỏ ảnh hưởng của chi phái nầy rất mạnh. Giê-rô-bô-am, vua nước Y-sơ-ra-ên, cũng thuộc chi phái Ép-ra-im. Chi phái nầy đã cung ứng rất nhiều người tài giỏi như Giô-suê, nhà lãnh đạo tài ba, người nối nghiệp Môi-se, nữ tiên tri Ðề-bô-ra, và cũng là vị nữ quan xét duy nhất của dân tộc Y-sơ-ra-ên và đại tiên tri Sa-mu-ên, ông là người Lê-vi thuộc dòng dõi Cô-rê nhưng sống ở núi Ép-ra-im và nhập vào chi phái nầy.  

Chi phái Ép-ra-im đã không trung tín với Chúa, khởi xướng việc thờ tượng bò vàng làm cho Ðức Chúa Trời nổi giận và Ngài đã tiêu hủy xứ Y-sơ-ra-ên ở phía bắc. Dầu vậy, Chúa vẫn yêu thương dân của Ngài và đã đem họ trở về Giê-ru-sa-lem sau một thời gian dài bị lưu đày tại Ba-by-lôn (I Sử ký 9:1-2) và Khải huyền 7:8 cũng nói đến chi phái của Giô-sép[2] có 12.000 người được đóng ấn.

Giô-sép sống đến 110 tuổi, khi hấp hối, đã trăn trối là phải đem hài cốt ông về xứ mà Chúa đã hứa ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Sự việc nầy chứng tỏ thêm một lần nữa đức tin sắt đá của ông. Vì thế, xác ông đã không bị chôn trên đất Ê-díp-tô nhưng được hoàn lại để trong hòm đến 400 năm. Về sau, khi rời Ai-cập, các con cháu của Giô-sép đã giữ đúng lời thề với tổ phụ mình, giữ lời nguyện ước của người là đem hài cốt về Ca-na-an an táng tại Si-chem, thuộc phần đất của chi phái Ép-ra-im (Xuất Ê-díp-tô ký 13:19; Giô-suê 24:32).

      Tiến sĩ Scofield chú thích về Giô-sép như sau:

      Dầu Kinh Thánh không ghi Giô-sép là hình bóng của Ðấng Christ, nhưng cuộc đời của hai người có nhiều điểm giống nhau đến nỗi ta có thể nói không phải do sự tình cờ mà có được:

  1. Chúa Jêsus và Giô-sép đều được Cha yêu thương một cách đặc biệt (Sáng thế ký 37:3; Ma-thi-ơ 3:17; Giăng 3:35; 5:20);
  2. Chúa Jêsus và Giô-sép đều bị anh em mình ghen ghét (Sáng thế ký 37:4; Giăng 15:25);
  3. Chúa Jêsus và Giô-sép đều bị anh em mình chối bỏ, dầu rất đáng được tôn trọng (Sáng thế ký 37:8; Ma-thi-ơ 21:37-39; Giăng 15:24,25);
  4. Chúa Jêsus và Giô-sép đều bị anh em mình âm mưu để giết hại (Sáng thế ký 37:18; Ma-thi-ơ 26:3,4);
  5. Các anh của Giô-sép dù không thật sự giết ông nhưng đã bán sang xứ khác cho biệt tích, thì cũng như đã giết ông; còn Ðấng Christ đã thật sự bị dân Do-thái treo lên thập tự giá, nhưng Ngài đã khắc phục sự chết và sống lại (Sáng thế ký 37:24; Ma-thi-ơ 27:35-37);

6.    Chúa Jêsus và Giô-sép đã trở nên nguồn phước cho dân ngoại. Cả hai đã yêu thương dân ngoại và được dân ngoại yêu thương lại. Giô-sép đã cưới vợ ngoại bang, còn Chúa Jêsus làm chồng Hội Thánh gồm cả dân ngoại (Sáng thế ký 41:1-45; Công vụ các sứ đồ 15:14; Ê-phê-sô 5:25-32);

7.    Giống như Giô-sép đã khiến anh em hòa thuận và phục tùng mình thì Ðấng Christ, khi Ngài trở lại, cũng sẽ làm như vậy đối với anh em mình là dân Do-thái (Sáng thế ký 45:1-15; Phục truyền luật lệ ký 30:1-10; Ô-sê 2:14-18; Rô-ma 11:1, 15, 25, 26).

      Thêm vào đó, khi đọc lời cầu nguyện của Ðức Chúa Jêsus trong giờ phút cuối cùng và trên thập tự giá: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên hoặc Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì. Chúng ta cảm thông tâm trạng của Giô-sép khi ông bị các anh ám hại. Dù không muốn, nhưng ông đã chấp nhận nghịch cảnh theo ý Chúa và đã độ lượng tha thứ vì họ không biết điều họ làm.

      Giáo sỉ Cadman đã kết luận về cuộc đời của Giô-sép như sau:

      Từ các tổ phụ được chép trong Kinh Thánh, Giô-sép đã giữ một chỗ đứng riêng biệt. Ông là người gương mẫu có đời sống gần như trọn vẹn. Cũng giống như Ðấng Christ, khi Ngài đến thế gian, đã có một đời sống hoàn toàn, không phạm tội, để làm gương cho cơ đốc nhân noi theo. Giô-sép biết quyết định làm những điều phải, đã làm trọn những trọng trách được giao phó. Ông biết tự chủ trong thuận cảnh cũng như nghịch cảnh. Ông có lòng độ lượng, vị tha nhưng cũng rất công bình chính trực. Ông rất kiên nhẫn khi gặp các thử thách đau buồn, dễ cảm thông và thương xót người khác. Ông đã nêu gương sáng về sự hiếu thảo và điều cao đẹp hơn cả là vẫn giữ được lòng tin kính Ðức Chúa Trời trong suốt cuộc đời thăng trầm của ông. Kinh Thánh không chép rằng ông là hình bóng của Ðấng Christ nhưng trong suốt cả Kinh Thánh không nhân vật nào có đời sống và việc làm trọn vẹn hơn ông. Chẳng những ông đã tha tội mà còn giải cứu những người đã âm mưu hại mình. Cũng giống như Cứu Chúa Jêsus, mọi người đều phải đến cùng ông để được cứu giúp cho khỏi chết. 

 

 



[1]    Ðức Chúa Trời đã chọn người con thứ Gia-cốp, người con thứ Ép-ra-im và Phê-rết, tổ phụ của vua Ða-vít, có thề nói là con thứ vì người anh là Sê-rách đưa tay ra trước (Sáng thế ký 38:27-30). Nhiều người tự hỏi sao Ngài không dùng con trưởng nam? Ðiều nầy thật khó mà giải thích, chúng ta chỉ biết Thượng đế có toàn quyền tể trị, Ngài có thể vượt qua các thông lệ vì Ngài là Ðấng tạo hóa.

[2]    Khải huyền không dùng tên chi phái Ép-ra-im có lẽ vì việc thờ hình tượng của người Ép-ra-im. Tuy rằng chi phái Giô-sép có nghĩa là chi phái Ép-ra-im vì Giô-sép có 2 người con và chi phái Ma-na-se có 12.000 người được đóng ấn thì chi phái Giô-sép phải là chi phái Ép-ra-im.