Bài số 19
Giê-Xu Christ Là Cứu Chúa Bị
Chối Bỏ |
Kinh Thánh: Mác 15: 21-41.
Câu gốc: "Người đã bị người ta
khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà
người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì"
Ê-sai 53: 3.
Mục đích: Cho chúng ta thấy rằng
Giê-xu Christ mà người ta chối bỏ, đã chịu chết cho chúng ta được sống.
Kinh Thánh đọc
hằng ngày
Chủ nhật: |
Ngài yên
lặng khi bị lên án |
Thi Thiên 38:13; Ê-sai 53:7; |
Ma-thi-ơ 26: 43; 27: 12-14. |
Thứ Hai: |
Ngài chịu khổ vì người khác |
Ê-sai 53: 12; |
Ma-thi-ơ 8:7. |
Thứ Ba: |
Ngài chịu khổ vì tội nhân |
Ê-sai 53: 12; |
Cô-rinh-tô 15:3. |
Thứ Tư: |
Ngài chịu chết chung với kẻ cướp |
Ê-sai 53: 9-12; |
Ma-thi-ơ 27: 38. |
Thứ Năm: |
Tay chân Ngài bị đâm |
Thi Thiên 22:16; Xa-cha-ri 12: 10; |
Giăng 20:27. |
Thứ Sáu: |
Ngài bị sỉ
nhục |
Thi Thiên 22: 6-8; |
Mác 15: 29-30; Ma-thi-ơ 27: 39. |
Thứ Bảy: |
Chúng cho Ngài uống dấm |
Thi Thiên 69:21; |
Ma-thi-ơ
27:34-48; Giăng
19: 29. |
Chúa
Giê-xu giáng sinh là một điều kỳ diệu không tiền hoán hậu. Hơn nữa, Ngài đã
sống cuộc đời hoàn toàn thánh thiện, nêu gương cao quí cho muôn đời soi chung.
Dầu vậy, Ngài giáng sinh không phải để sống lâu như người đời, mà để chết đền
tội cho nhân loại. Ðiều nầy không phải là việc ngẫu nhiên, song nằm trong
chương trình của Ðức Chúa Trời đã hoạch định từ buổi sáng thế (Khải huyền 13:
8). Khi bắt đầu chức vụ, Chúa Giê-xu đã nhiều lần, trong nhiều trường hợp khác
nhau phán rằng Ngài sẽ chịu khốn khổ, chịu chết và đến ngày thứ ba sẽ sống lại
(Ma-thi-ơ 12: 39-40; 16: 21; 17: 22-23; 20: 17-19; 21: 33-39 v.v...)
Xin
hãy đọc đối chiếu LờI TIÊN TRI với sự ứng nghiệm để thấy rõ Giê-xu là
Cứu Chúa bị chối bỏ. Mọi sự đã được mô tả theo sự biết trước của Ðức Chúa Trời.
I.
Tình trạng của loài người.
Ðọc
3 đoạn đầu của thơ Rô-ma, chúng ta thấy Phao-lô mô tả tình trạng tuyệt vọng của
con người:
1.
Các dân ngoại ban đều đã phạm tội (1: 18-32).
2.
Dân Do Thái cũng phạm tội (2: 1-3: 8).
3. Cả thế gian đều phạm tội (3: 9-20).
Người
Do thái có luật pháp cũng phạm tội như người ngoại bang không có luật pháp mà
chỉ có lương tâm. Văn minh như người Hy-lạp cũng phạm tội như người dã man. Tự
do như người La-mã cũng phạm tội như người nô lệ. Dân tộc nào cũng có tôn giáo,
song chính tôn giáo của họ bày tỏ sự hư hỏng của lòng họ. Vì họ thờ hình tượng
của loài người hoặc của điểu thú, côn trùng, cách ăn ở của họ rất bại hoại, vì
trong họ có đầy dẫy những sự xấu xa gian ác. Họng như huyệt mả mở ra, môi có
nọc độc rắn hổ mang, miệng đầy những lời nguyền rủa và cay đắng, chân lanh lẹ
làm đổ máu. Họ chẳng có tìm kiếm Chúa, chẳng tôn thờ Chúa, chẳng cảm tạ Chúa,
chẳng kính sợ Chúa. Vì vậy, cả thiên hạ đều phạm tội trước mặt Ngài, chúng ta
hết thảy đều ở trong số đó. Chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã
phạm tội.
II. Phương cách cứu rỗi của Ðức Chúa Trời.
Ðức
Chúa Trời nổi thạnh nộ khi loài người phạm tội (Rô-ma 1: 18), song đồng thời
Ngài rất thương yêu, muốn cho họ được cứu rỗi. Vì vậy, từ buổi sáng thế Ngài đã
có phương cách, và Chúa Giê-xu, Con Ðộc sanh của Ngài đã thi hành phương lược
ấy.
Thật là kỳ diệu! Loài người đáng ghét, Chúa lại yêu; đáng bỏ, Chúa lại tìm;
đáng phạt, Chúa lại cứu; đáng nghịch, Chúa lại hòa. Tình yêu của Chúa không thể
đo lường, không lời mô tả, cao hơn trời, sâu hơn biển, dài rộng hơn cả không
gian và thời gian, và vô tận, đời đời.
Làm sao chúng ta thấu hiểu Ðấng vinh hiển ở nơi cao tột,
lại xuống nơi đê hèn cùng tột, Ðấng vô hạn lại mặc lấy hình người hữu hạn, Ðấng
chí thánh lại mang lấy mọi tội lỗi của chúng ta, Ðấng hằng sống lại phải chết
và chết cách khổ nhục trên thập tự giá. Kinh thánh chép "Vì Ðức Chúa Trời
yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài..." (Giăng 3: 16).
Chúa Giê-xu phán "Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó
sự sống của mình" (Giăng 15: 13). Phao-lô mô tả rằng chết vì người nghĩa
hoặc người lành cũng là việc hi hữu, nhưng Chúa Giê-xu lại chết vì tội nhân,
chết vì kẻ thù (Rô-ma 5: 6-8). Chỉ có Chúa làm việc đó với tình thương kỳ diệu
của Ngài. Chúng ta hãy sấp mặt cúi đầu, tuôn đổ lòng mình ra mà cảm tạ, tôn thờ
Chúa Ba Ngôi.
III. Sự hy sinh của Chúa Giê-Xu: (Mác 15: 21-41).
Giê-xu là Ðấng từ trời giáng thế, thánh khiết, quyền năng.
Một lời phán của Ngài đủ khiến cho mọi phong ba, bão tố im lặng như tờ, một lời
phán của Ngài đủ khiến cho mọi bệnh tật nào cũng được lành, một lời phán của
Ngài đủ khiến cho kẻ chết sống lại, một lời phán của Ngài đủ khiến cho ma quỉ
run rẩy và lui ngay, một lời phán của Ngài sẽ có hơn 12 đạo thiên sứ đến hầu
việc Ngài (Ma-thi-ơ 26: 53). Thế mà Ngài tình nguyện cho những con người yếu
đuối như vậy trói Ngài rồi đóng đinh Ngài trên thập tự giá.
Ðến nỗi, họ cho Ngài uống rượu hòa với mộc dược, song Ngài
không uống. Những người sắp bị đóng đinh, người ta thường cho uống như vậy để
say sưa, đê mê, hầu cho đỡ đau đớn (Châm ngôn 31: 6-7). Song Chúa Giê-xu vì
nhân loại, tình nguyện uống cạn chén thạnh nộ của Ðức Chúa Trời mà không muốn
được giảm bớt một phần nào trong sự cay đắng của nó.
Họ đóng đinh Ngài giữa hai tên trộm cướp là có ý nhục mạ
Ngài, liệt Ngài vào hạng rác rến của xã hội. Song không ngờ, họ đã cho Ngài cơ
hội cứu được một trong hai tên trộm cướp đó (Lu-ca 23: 41-43).
Họ chế giễu Ngài là đã cứu kẻ khác mà không cứu được
mình. Họ thách đố Ngài xuống khỏi thập tự giá để họ tin. Họ tưởng rằng những
mũi đinh to sẽ giữ Ngài trên thập tự giá và quyền lực của cường quốc La-mã
không bao giờ xuống khỏi đó. Song họ không biết rằng dầu có muôn vàn mũi đinh
to, dầu tất cả quyền lực trên thế gian hiệp lại cũng không giữ Chúa trên thập
tự giá, mà chỉ có tình thương của Ngài đối với nhân loại buộc chặt Ngài tại đó
mà thôi. Nếu Ngài không tình nguyện chịu chết như vậy, toàn thể nhân loại sẽ
tuyệt vọng đời đời.
Trên thập tự giá, Chúa Giê-xu đã kêu lên lên một tiếng
thê thảm "Ðức Chúa Trời tôi ơi, Ðức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ
tôi?" Tiếng ấy vang lên từ một linh hồn đã bị Ðức Chúa Trời bỏ rơi trong
cảnh cô đơn, bị dứt phép thông công, bị ném ra khỏi thiên đàng. Trước đó Chúa
Giê-xu đã từng phán "Ðấng đã sai ta đến vẫn ở cùng ta chẳng để ta ở một
mình, vì ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài" (Giăng 8: 29). Ðó là niềm an ủi vô
biên của Ngài. Song khi chịu chết trên thập tự giá thì "Ðấng vốn chẳng
biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta" (II Cô-rinh-tô 5: 21), nên Ngài
bị Ðức Chúa Trời từ bỏ. Ðức Chúa Trời là ánh sáng, là sự sống, là tình thương,
là mọi sự, nên khi bị Ðức Chúa Trời từ bỏ là khốn nạn vô cùng. Ðó là Chúa
Giê-Xu đã nếm mùi địa ngục vì chúng ta.
Anh trộm cướp bên cạnh Chúa Giê-xu còn được an ủi, nên
nói rằng "Hình ta chịu xứng với việc ta làm", song Ngài không được an
ủi như vậy vì Ngài hoàn toàn vô tội. Sự đau đớn của xác thể không nguy hiểm
bằng sự đau đớn của tâm hồn. Khi anh trộm cướp chỉ đau đớn xác thể, nên họ chưa
chết khi Chúa Giê-xu đã chết. Còn Ngài không những đau đớn trong xác thể mà
nhất là đau đớn trong tâm hồn, vì bị Ðức Chúa Trời lìa bỏ, đã làm cho trái tim
của Ngài vỡ tan, nên Ngài đã trút linh hồn (Giăng 19: 34). Sự đau đớn đó, chúng
ta không bao giờ hiểu thấu. Nó cho chúng ta biết một điều là tội lỗi của chúng
ta nhiều quá, sự hình phạt của chúng ta nặng quá, song Chúa đã tình nguyện chết
để cứu chúng ta.
Cảm tạ Chúa, dầu bao nhiêu người đã chạy trốn, vẫn có các
bà đứng đó nhìn mọi diễn tiến. Nếu bây giờ, người chung quanh có hỏi: Các bà
không thẹn mà theo một cứu Chúa bị đóng đinh sao? Các bà không sợ khi người ta
biết các bà cũng là môn đồ của Giê-xu sao?- Chắc các bà sẽ đáp: Các ông không
cần hỏi, thấy chúng tôi đứng đây là đủ biết rồi!
Dân Do thái đã chối bỏ Cứu Chúa Giê-xu, vì ngoan cố và vô
tín. Xưa nay vẫn có người chối bỏ Ngài vì hổ thẹn và sợ hãi. Các bạn có chối bỏ
Ngài không? thiết tưởng trước tình thương kỳ diệu của Chúa chúng ta phải nói
rằng "Dầu trời long đất lở, chúng tôi chẳng chối bỏ Ngài". (Rô-ma 8:
35-39).
CÂU HỎI
1. Chúa Giê-xu
giáng sinh, chịu chết và sống lại có phải là việc tình cờ xảy ra không? Tại sao
chúng ta biết được?
2. Tình trạng của loài người xưa nay thế nào?
3. Làm sao chúng
ta biết người Do thái với người ngoại bang, người văn minh với người dã man,
người tự chủ với người nô lệ đều giống nhau? (Rô-ma 3: 21).
4. Phương cách cứu rỗi của Ðức Chúa Trời là gì?
5. Ðộng cơ nào khiến Chúa phải làm việc đó?
6. Làm sao chúng ta biết Chúa Giê-xu tình
nguyện chịu chết?
7. Tại sao Chúa không chịu uống rượu hòa với
mộc dược?
8. Tại sao người ta đóng đinh Chúa giữa hai tên
trộm cướp?
9. Sức mạnh nào đã giữ Chúa trên thập tự giá?
10. Trên thập tự giá
Chúa kêu "Ðức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi" có nghĩa gì?
11. Tại sao trái tim của Chúa phải vỡ ra và Ngài chết trước hai tên trộm cướp?
12. Cứ đứng dưới chân thập tự giá của
Chúa, các bà nói gì?