Bài số 13
Ðức Chúa Trời Ban Luật Pháp |
Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô ký 20: 1-17.
Câu gốc: "Vì chẳng có một người
nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì
luật pháp cho người ta biết tội lỗi" Rô-ma 3: 20.
Mục đích: Cho chúng ta thấy rằng luật
pháp của Ðức Chúa Trời là căn bản đạo đức. Tội nhân phải nhờ Chúa Giê-xu mới
làm vui lòng Ðức Chúa Trời.
Kinh Thánh đọc
hằng ngày
Chủ Nhật: |
Ðời sống tôi mọi. |
Xuất Ê-díp-tô ký 1: 5-14 |
Thứ Hai: |
Cuộc đời tôi mọi được giả phóng. |
Xuất Ê-díp-tô ký 14: 13-28 |
Thứ Ba: |
Dân sự lựa chọn luật pháp. |
Xuất Ê-díp-tô ký 19: 3-8 |
Thứ Tư: |
Luật pháp. |
Xuất Ê-díp-tô ký 20: 1-26 |
Thứ Năm: |
Mục đích của luật pháp. |
Ga-la-ti 3: 19-24 |
Thứ Sáu: |
Ðấng Christ giữ luật pháp. |
Rô-ma 10: 4-10 |
Thứ Bảy: |
Bình an với Ðức Chúa Trời. |
Rô-ma 5: 1-11 |
Ðức Chúa Trời đã ban cho Áp-ra-ham và Sa-ra một con trai
là Y-sác trong lúc già nua. Y-sác cưới Rê-bê-ca, sanh Ê-sau và Gia-cốp. Gia-cốp
có 12 con trai và khi xứ Ca-na-an có đói kém, ông đem cả gia đình 70 người
xuống Ê-díp-tô. Sau 400 năm tại Ê-díp-tô, dân Y-sơ-ra-ên là dòng dõi của
Gia-cốp sanh sản thêm nhiều, kể cả nam phụ lảo ấu vào khoảng hơn một triệu
người. Bấy giờ, Pha-ra-ôn là hoàng đế Ê-díp-tô không còn tử tế với dòng dõi
Gia-cốp như lúc mới xuống đó, mà ngược đãi, hành hạ như những tên nô lệ với ý
đồ tiêu diệt họ.
Ðức Chúa Trời đã can thiệp, buộc Pha-ra-ôn phải phóng
thích Dân Y-sơ-ra-ên. Ðược phóng thích, dân Y-sơ-ra-ên qua Biển Ðỏ, vào đồng
vắng đến núi Si-nai. Tại đây, Ðức Chúa Trời ban luật pháp cho họ.
I. Mục đích Ðức Chúa Trời ban luật
pháp.
Bất cứ một dân tộc nào cũng cần có luật pháp để bảo vệ an
ninh trật tự, làm căn bản cho quyền lợi và nếp sống đạo đức của con người. Vì
vậy, Ðức Chúa Trời đã kêu gọi Môi-se lên núi Si-nai và Ngài ban luật pháp để
ông truyền lại dân Y-sơ-ra-ên. Luật pháp được chép trong Ngũ kinh của Môi-se,
nhưng cũng bao hàm các các sách Thi thiên và Tiên tri (Giăng 12: 34; I
Cô-rinh-tô 14: 21; Giăng 10: 34; 15: 25; Lu-ca 24: 44). Luật pháp có hai phần:
Luật đạo đức và luật lễ nghi, cũng gọi là luật thờ phượng. Luật đạo đức như 10
điều răn thì không thay đổi mà vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, còn luật lễ
nghi như đền tạm tại đồng vắng, đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, các con sinh, thầy
tế lễ chỉ có ý nghĩa tượng trưng nên đều bị thay đổi.
Luật pháp của Chúa là trọn vẹn (Thi thiên 19: 7), song
con người bất toàn nên không ai giữ trọn, mặc dầu là khi mới nhận luật pháp,
dân Y-sơ-ra-ên rất hồ hởi, phấn khởi (Xuất Ê-díp-tô ký 19: 7-8). Vì vậy, luật
pháp ban ra không phải để cứu người, song để cho người biết mình có tội. Luật
pháp như chiếc gương soi để ai nấy biết mặt mình bẩn, song nó không thể làm cho
mặt mình sạch được! Muốn sạch, chúng ta phải nhờ nước. Ân điển như nước, vì
vậy, sau phần luật đạo đức, có phần luật lễ nghi, luật đó chỉ cho con người
cách nào để được tha thứ tội lỗi, hầu có đủ tư cách mà đến gần Ðức Chúa Trời. Tất
cả luật lễ nghi được ứng nghiệm trọn vẹn trong Chúa Giê-xu: Ngài là đền thờ, là
con sinh, là thầy tế lễ, là mọi sự (Cô-lô-se 2: 16, 17; Hê-bơ-rơ 8: 5). Sự chết
và sự sống lại của Ngài để đền tội chúng ta là ân điển của Ðức Chúa Trời, nhờ
đó chúng ta được tha thứ (Giăng 1: 17).
II. Hai phần quan trọng của luật đạo đức (Xuất
20: 1-17).
Chúa Giê xu đã tóm tắt hai phần nầy là: Yêu Chúa và yêu
người (Ma-thi-ơ 22: 37-40), đối với Chúa và đối với người.
1. Ðối với Chúa (Xuất Ê-díp-tô ký 20: 1-11).
a. Trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác (câu 1-3)
Chúa nhắc cho họ nhớ rằng Ngài là Ðấng đã giải phóng họ
khỏi cảnh nô lệ tại Ê-díp-tô bằng 10 tai vạ đã giáng lên Pha-ra-ôn. Ngài đã rẽ
Biển Ðỏ cho họ đi qua, dẫn dắt họ bằng trụ mây và trụ lửa, nuôi họ bằng ma-na
và nước trong hòn đá. Vì vậy, họ không có phép thờ bất cứ thần nào khác ngoài
Ngài. Về sau mỗi lần sa ngã, dân Y-sơ-ra-ên thờ các thần khác thì bị Chúa sửa
trị bằng nhiều tai vạ như đói kém, dịch lệ, gươm đao. Lần nặng hơn hết là Ngài
đã lưu đày họ 70 năm tại Ba-by-lôn. Sau khi từ Ba-by-lôn trở về, họ không còn
thờ thần nào khác nữa.
Chúng ta đã làm nô lệ cho ma quỉ trong nước tối tăm, mà
đã được giải phóng bằng sự chết đền tội và sự sống lại của Chúa Giê-xu nên
chúng ta không được phép thờ một thần nào khác ngoài Chúa. Nhưng chúng ta
thường bị cám dỗ mà thờ thần Ma-môn / tiền tài, vật chất (Ma-thi-ơ 6: 24) và
nhiều thần khác (Cô-lô-se 3: 5; Ê-phê-sô 5: 5). Nếu chúng ta yêu bất cứ một
người nào, một điều gì hơn Chúa thì những điều đó đã trở thành những thần của
chúng ta rồi (Ma-thi-ơ 10: 37) (I Giăng 2: 15-17). Chúa Giê-xu phán "Ngươi
phải thờ phượng Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi và chỉ hầu việc một mình Ngài mà
thôi" (Phục truyền luật lệ ký 6: 13; Ma-thi-ơ 4: 10).
b. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình (câu 4-6):
Ðiều răn thứ nhất là thờ một mình Ðức Chúa Trời, điều răn
thứ hai là cách thờ Ngài: đừng vẽ một hình nào, đừng đúc một tượng nào gọi là
hình tượng Ðức Chúa Trời để thờ. Làm như vậy là không tôn vinh Ngài mà sỉ nhục
Ngài vì xem Ngài như vật vô tri, làm như vậy là không yêu Ngài, mà là ghét
Ngài. Kết quả của việc đó, Chúa phạt từ tổ phụ đến con cháu trải ba bốn đời,
song làm ơn ngàn đời cho kẻ yêu Ngài và giữ điều răn của Ngài.
Kinh thánh chép "Vậy thì các ngươi có thể ví Ðức
Chúa Trời với ai, lấy ảnh tượng nào mà so sánh với Ngài được? Vậy, bởi chúng ta
là dòng dõi Ðức Chúa Trời thì chớ ngờ rằng Chúa giống như vàng bạc hay là đá,
bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên" (Ê-sai 40: 18; Công vụ
các sứ đồ 17: 29). Kinh thánh lập lại nhiều lần, nhiều cách Ðức Chúa Trời
nghiêm cấm và lên án sự thờ hình tượng (Xuất Ê-díp-tô ký 23: 24; Ê-sai 44:
12-20; Thi thiên 115: 4-8; Ê-sai 2: 20; Khải huyền 21: 8; 22: 15). Lời khuyên
tha thiết của Giăng là " Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình
tượng" (I Giăng 5: 21). Phao-lô khuyên (I Cô-rinh-tô 10: 14).
c.
Ngươi chớ lấy danh Chúa làm chơi (câu 7) :
Thời
Cựu Ước, dân Y-sơ-ra-ên chỉ được phép nhân Danh Chúa mà thề (Phục truyền luật
lệ ký 6: 13b) trong một việc quan trọng, không ai được thề dối. Trong Tân-ước,
Chúa Giê-xu khuyên đừng thề chi cả, phải thì nói phải, không thì nói không
(Ma-thi-ơ 5: 33-37). Gia-cơ cũng lập lại lời ấy (Gia-cơ 5: 12).
d.
Ngươi hãy nhớ ngày yên nghỉ đặng làm nên ngày thánh (8-11):
Làm cho ngày đó trở nên ngày thánh là nghỉ
tất cả mọi công việc xác thịt tại đồng vắng, chợ búa, xí nghiệp, công sở, mà
làm công việc, thuộc linh tại nhà thờ. Họp lại ca hát, cầu nguyện nghe giảng,
nói chung là sinh hoạt thuộc linh, để cho tâm hồn và thể xác được yên nghỉ,
được bồi dưởng.
Ðây
không có nghĩa là buộc phải nghỉ ngày thứ bảy của tuần lễ, song cứ bảy ngày thì
nghỉ một ngày. Mục sư, truyền đạo không nghỉ Chúa nhật, có thể nghỉ ngày thứ
bảy hoặc thứ hai. Tín đồ nào, vì công tác không nghỉ Chúa nhật được, có thể
nghỉ ngày nào khác thay vào. Ðiều quan trọng là nghỉ (Xuất Ê-díp-tô ký 23: 12).
Chúa bảo dân Y-sơ-ra ên khi vào xứ Ca-na-an thì cứ 7 năm cho đất nghỉ một năm
(Xuất Ê-díp-tô ký 23: 10, 11; Lê-vi ký 25: 1-7; 20-22). Song họ không vâng lời,
nên sau 490 năm, Ðức Chúa Trời cho dân ấy bị lưu đày 70 năm, hầu cho đất được
nghỉ như lời Chúa đã phán (II Sử ký 36: 20-21). Hội thánh đầu tiên nghỉ ngày
thứ nhất trong tuần lễ tức là Chúa nhật, vì Chúa Giê-xu đã sống lại trong ngày
ấy (Ma-thi-ơ 28: 1; Giăng 20: 19, 26). Ðức Thánh Linh cũng giáng lâm vào ngày
thứ nhất (Công vụ các sứ đồ 2: 1-2). Dầu vậy không phải giữ ngày nghỉ để được
cứu đâu (Ga-la-ti 4: 10, 11; Cô-lô-se 2: 16-17).
2.
Ðối với người (Xuất Ê-díp-tô ký 20: 12-17).
a. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi (câu 12):
Phao
lô đã gọi đây là điều răn thứ nhất (Ê -phê-sô 6: 1-3), Chúa Giê-xu đã quở trách
người Pha-ri-si bỏ điều răn nầy mà theo lời truyền khẩu (Ma-thi-ơ 15: 1-9; Mác
7: 8-13). Ngài còn nêu gương hiếu kính (Lu-ca 2: 51; Giăng 19: 26-27). Không ai
sống đẹp lòng Chúa nếu không hiếu kính cha mẹ. Ai yêu mến Chúa cũng yêu mến cha
mẹ.
b. Ngươi chớ giết người (câu 13):
Chúa
Giê-xu kể kẻ giận hoặc mắng anh mình cũng đáng tội như kẻ giết người (I Giăng
3: 15), không ai được tự sát như Giu-đa (Ma-thi-ơ 27: 3-5).
c. Ngươi chớ phạm tội tà dâm (câu 14):
Chúa
Giê-xu kể kẻ ngó đàn bà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm
(Ma-thi-ơ 5: 27-28), Phao-lô lên án tà dâm là một tội rất nặng, vì quan hệ đến
thân thể là đền thờ của Chúa (I Cô-rinh-tô 6: 15-18).
d. Ngươi chớ trộm cắp (câu 15):
Chẳng
những không trộm cắp mà còn chịu khó để giúp kẻ thiếu thốn (Ê-phê-sô 4: 28).
e. Ngươi chớ làm chứng dối (câu 16):
Ma quỉ là cha của sự nói dối (Giăng 8: 44). Ai nói dối là tự nhận mình là
con cái của ma quỉ và đồng số phận với nó trong hồ lửa (Khải huyền 21: 8). Hãy
nói thật với kẻ lân cận (Ê-phê-sô 4: 25).
f- Ngươi chớ tham
lam (câu 17):
Tham lam của cải, tiền bạc, vợ của người là tội nặng như
thờ hình tượng. A-can tham của cải (Giô-suê 7: 10-26), Ghê-ha-xi tham vàng bạc
(II Các vua 5: 19-27), Ða-vit tham vợ người (II Sa-mu-ên 11: 2-5).
Giao ước cũ, luật pháp chép trên bảng đá; giao ước mới
luật pháp chép trên bảng thịt, trong lòng (Giê-rê-mi 31: 31-33; Ê-xê-chi-ên 36:
26, 27). Xin Thánh linh chép luật pháp Ngài trong chúng ta để nó trở thành sự
sống, bản tính của chúng ta, hầu ai nấy vâng giữ làm theo.
Câu hỏi
1. Ðức Chúa Trời ban luật pháp cho dân
Y-sơ-ra-ên tại đâu? Lúc nào? Qua ai?
2. Luật pháp có mấy phần? Là những phần nào?
3. Ðức Chúa Trời ban luật pháp với mục đích gì?
4. Tại sao chúng ta cũng như dân Y-sơ-ra-ên thờ
một mình Chúa mà thôi?
5. Tại sao chúng ta không nên thờ Ðức Chúa Trời
bằng hình tượng?
6. Giữ ngày yên nghỉ để làm gì?
7. Chúa Giê-xu dạy và làm gương thế nào về sự
hiếu kính cha mẹ?
8. Tại sao tín đồ không nên nói dối?
9. Hãy kể ra hậu quả của sự tham lam và vài
người trong Kinh thánh ?
10. Nhờ đâu chúng ta giữ được luật pháp của Chúa
?